E : contact@thucanchoca.com | Hotline : 0919 696 168

CALL US:

Phân Biệt Cá Betta


Cá Thia thia là một loài cá xinh đẹp nhận được rất nhiều sự quan tâm, ưu ái của những người nuôi cá cảnh. Họ hàng nhà cá Betta rất phong phú, đa dạng, nào cá Betta hoang dã, nào cá Betta được lai tạo với hàng chục, hàng trăm loài khác nhau, phổ biến ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, thậm chí Au, Mỹ, nhất là các cộng đồng người châu Á sống ở đó. Người chơi cá đá hẳn còn nhớ những câu thơ: Thia thia đá bóng trong keo/ Ham vui trước mặt quên nghèo sau lưng/ Ao sâu cá lội khoe màu/ Đố ai biết mỗ: Bã trầu, thia thia?...

CÁ ĐÁ

Cá Betta hoang dã có màu sắc rực rỡ và khả năng chiến đấu rất tốt, chúng xuất hiện đầu tiên ở Thái Lan và được du nhập vào nước ta với tên gọi cá đá Xiêm từ cả trăm năm nay. Cá Betta được chia ra làm 3 loại là cá đá tuyển (cá độ), cá đá thường và cá đá lai.
Cá đá tuyển hay còn được gọi là cá đá độ là những con cá đá đã được lai tạo, tuyển chọn, huấn luyện theo một chế độ gắt gao để tham gia vào trường đá cá. Cá đá thường chủ yếu là những con cá phổ biến, không đủ sức tham gia trường đá. Còn cá đá lai là cái lai giữa cá đá thuần dưỡng với cá đá hoang dã, chúng thừa hưởng độ bền sức của cá đá Xiêm nên nếu đem đi đá với cá hoang dã thường thì sẽ có nhiều khả năng chiến thắng.
Trong 3 loại cá đá trên thì cá đá thường (cá đá Xiêm) là loại phổ biến và giá thành rẻ nhất, chúng được bày bán ở các tiệm, cửa hàng cá cảnh lớn nhỏ, vì vậy người chơi cá có thể tìm mua rất dễ với giá khoảng vài chục ngàn đồng một con. Cá đá tuyển hiếm hơn, nếu muốn mua thì phải tìm đến đúng lò và đương nhiên giá cả cũng cao hơn cá đá Xiêm rất nhiều. Cá đá tuyển Việt Nam được lai tạo với cá đá tuyển Malaixia, Thái Lan, Indonesia để cải thiện khả năng chiến đấu. Dạng cá lai này có nhiều ưu điểm, đó là màu sắc đẹp, dai sức, mau thành độ.
Bên cạnh dòng cá Betta thuần dưỡng để đá các nhà lai tạo còn duy trì một dòng cá Betta làm cảnh hay còn gọi là cá đuôi dài mà ta thường gọi với cái tên thông thường là cá Xiêm đuôi dài. Cá Xiêm đuôi dài rất phổ biến ở Thái Lan, sau đó nó được nhập vào thị trường các nước phương tây đầu thế kỷ XX và nhanh chóng được nhiều người ưa thích, cũng chính tại các nước phương tây này mà vai trò làm cảnh của cá Betta được nâng cao hơn một bậc. Tuy nhiên, văn hóa phương tây không hoan nghênh cho việc hoạt động cá đá và coi đó là việc làm tàn ác với thú vật, vì vậy mà cá Xiêm đuôi ngắn hay cá đá hầu như mất chỗ đứng trong một thời gian dài.

CÁ BETTA CẢNH

- Cá Betta đuôi voon (veiltail): Năm 1960, giống cá Betta có vây cực dài đã được một người Mỹ tên là Warren Young lai tạo thành công, ông gọi những chú cá Betta có cái đuôi dài tha thướt này là Libby- tức tên vợ ông.
Những chú cá này nhanh chóng được bán đi khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả châu Á.
Bên cạnh giống cá Betta đuôi voon, còn có một số dòng cá cũng xuất phát từ Betta đuôi dài như cá Betta đuôi quạt, Betta đuôi át bích. Tuy nhiên, ngày nay chúng gần như biến mất khỏi thị trường cá cảnh vì không địch lại được những giống cá cảnh mới, hiện đại khác.

- Cá Betta đuôi kép: Cá Betta đuôi kép xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Cá này có hai thùy đuôi và vây lưng to, tương đương với vây hậu môn. Cá Betta đuôi kép đóng vai trò quan trọng trong việc cải vây lưng cho các dòng cá Betta hiện đại.

- Cá Betta đuôi delta: Được ra đời ở Đức, chú cá Betta đuôi delta đầu tiên có đuôi đối xứng hình tam giác, điều thú vị là dạng đuôi delta vốn được dùng để gọi những con cá 7 màu có đuôi hình tam giác. Cá Betta đuôi delta đánh dấu bước tiến bộ hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của Betta cảnh hiện đại, chúng có cạnh đuôi thẳng thay vì uốn cong.

Cá Betta super delta: Là cá Betta đuôi delta với cái đuôi có góc xòe rất rộng, gốc xòe này lớn hơn 160 độ và nhỏ hơn 180 độ.

- Cá Halfmoon: Và những thập kỷ 90 của thế kỷ XX, cá Halfmoon đã thực sự trở thành một làn sóng với người hâm mộ. Cho đến nay, cũng rất nhiều người yêu thích cá Halfmoon. Cá Halfmoon có cái đuôi rất đẹp, xòe rộng 180 độ, thậm chí hơn ( over Halfmoon), một số cá có đuôi phát triển không theo quy cách nào cả, đuôi chúng giống như cánh hoa hồng, nên người ta gọi chúng là cá đuôi hoa hoặc đuôi bắp cải.

- Cá Betta đuôi tưa: Nhìn những chú cá Betta với cái đuôi tưa độc đáo thật đẹp mắt. Những tưa đuôi kéo dài, nhô ra khỏi màn vây, tuy theo từng loại tia vây mà người ta phân biệt ra thành tia đơn, tia đôi, tia hai đuôi, tia chéo,…

CÁ PLAKAT CẢNH

Loại cá lai giữa cá Xiêm và cá hoang dã là cá lai truyền thống, còn loại cá lai đủ loại màu sắc giữa cá Xiêm- cá hoang dã- cá Betta cảnh là cá lai hiện đại hay cá Betta đặc sắc. Cá Betta đặc sắc mang nhiều yếu tố di truyền của loài Betta smaragdina dòng ghi ta với bộ vây to hơn so với cá Xiêm thường, đuôi có hình chóp nhọn. Ngày nay, cá Betta đặc sắc là một thể loại cá dự thi trong các cuộc triển lãm cá trên thế giới với cái tên Plakat cảnh truyền thống.
Ở các triển lãm, không có sự phân biệt giữa cá Plakat cảnh truyền thống với cá Xiêm thường, vì vậy về nguyên tắc, người ta vẫn có thể mang cá Xiêm đi dự thi thể loại Plakat cảnh truyền thống được.
Cá Plakat cảnh hầu như không bị mắc các bệnh dị tật thường thấy ở Betta cảnh đuôi dài như tật tự cắn đuôi, sụp đuôi, rách đuôi, thối đuôi. Tóm lại, chúng rất dễ nuôi và dễ chăm sóc. Cá Plakat có tuổi thọ dài hơn, Halfmoon đuôi dài thường chỉ đẹp ở độ tuổi từ 3-9 tháng, sau đó lão hóa. Cá đuôi tưa lại hay bị xoăn và vênh vây đuôi nếu không được chăm sóc kỹ.

- Cá Plakat cảnh truyền thống: Là cá lai giữa cá Xiêm cá hoang dã và cá Betta cảnh với đủ loại màu sắc khác nhau. Các vây lẻ to hơn so với cá Xiêm nhưng lại nhỏ hơn nhiều so với Betta cảnh đuôi dài. Đuôi có thể xòe đủ 180 độ nhưng cạnh đuôi tròn, tia sơ cấp, góc đuôi phân làm hai nhánh.

- Cá Plakat hiện đại: Là cá lai giữa cá Xiêm và Halfmoon, đuôi nhỏ như đuôi cá Xiêm nhưng hình dạng lại giống như Halfmoon. Plakat cảnh hiện đại thường được gọi tắt là Plakat hiện đại hay Halfmoon Plakat. Đuôi xòe đủ 180 độ, cạnh đuôi thẳng, tia sơ cấp, góc đuôi phân làm 4 nhánh hoặc hơn thế.

- Cá Plakat đối xứng: Cá Plakat cảnh truyền thống và hiện đại được thừa hưởng một đặc điểm rất đặc trưng là mỗi khi giương vây, đuôi của chúng hơi cong lên một chút và hướng về phía trước. Nếu kẻ một đường thẳng từ mắt cho đến giữa gốc đuôi thì nó sẽ chia đuôi ra làm hai phần không bằng nhau, do vậy mà hai loại trên được gọi là Plakat đối xứng.

Nguồn: Thức ăn cho Cá sưu tầm và biên soạn